Những lưu ý khi sử dụng thẻ tín dụng để tránh mất tiền

Những lưu ý khi sử dụng thẻ tín dụng để tránh mất tiền

Thẻ tín dụng là một phương thức thanh toán thay thế cho tiền mặt được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, để sử dụng thẻ một cách linh hoạt và hiệu quả, chúng ta cần có hiểu biết cơ bản về cách thức hoạt động của thẻ tín dụng.

Thẻ tín dụng là gì?

Thẻ tín dụng (Credit Card) ra đời vào năm 1951, là loại thẻ cho phép người dùng “chi tiêu trước, trả tiền sau”. Khách hàng có thể sử dụng thẻ để mua sắm mà không cần có sẵn tiền trong tài khoản, và cuối kỳ sẽ thanh toán lại số tiền đã chi tiêu cho ngân hàng. Những lưu ý khi sử dụng thẻ tín dụng để tránh mất tiền

Thẻ tín dụng được chấp nhận tại nhiều điểm thanh toán như siêu thị, trang thương mại điện tử,… nhằm thay thế tiền mặt. Hiện nay, thẻ tín dụng phổ biến gồm hai loại chính: thẻ tín dụng nội địa và thẻ tín dụng quốc tế.

Những lưu ý khi sử dụng thẻ tín dụng để tránh mất tiền

1.Chọn lại thẻ phù hợp

Khi chọn được thẻ tín dụng phù hợp, bạn sẽ thoải mái trong chi tiêu và nhận nhiều lợi ích lớn. Nếu bạn thường xuyên mua sắm, hãy lựa chọn thẻ có tỷ lệ hoàn tiền cao, liên kết với nhiều cửa hàng và trang thương mại, cũng như có nhiều ưu đãi trả góp để tiết kiệm tài chính tối đa.

Nếu bạn đam mê du lịch, thích khám phá hay thường xuyên đi công tác, nên ưu tiên thẻ tín dụng có hạn mức cao, phí giao dịch ngoại tệ hấp dẫn và chương trình tích lũy dặm bay.

Đặc biệt, với các doanh nhân thành đạt, những thẻ tín dụng hạn mức cao đi kèm nhiều ưu đãi đặc quyền tại nhà hàng, khách sạn, sân bay và sân golf sẽ là lựa chọn hàng đầu. Điều này không chỉ thuận tiện cho việc chi tiêu mà còn thể hiện đẳng cấp và vị thế của bạn.

2. Thanh toán thẻ đúng hạn

Dư nợ thẻ tín dụng là số tiền bạn đã chi tiêu trong tháng, được ngân hàng báo cáo chi tiết trong sao kê hàng tháng qua email hoặc ứng dụng ngân hàng. Thanh toán dư nợ đúng hạn giúp bạn tránh phát sinh lãi suất và phí chậm thanh toán. Một lưu ý là nên thanh toán trước vài ngày đến hạn để tránh rủi ro do lỗi hệ thống hoặc các ngày cuối tuần có thể dời lịch thanh toán.

Đặc biệt, việc thanh toán dư nợ đúng hạn sẽ giúp bạn duy trì lịch sử điểm tín dụng tốt, điều này rất hữu ích khi bạn cần thực hiện các khoản vay vốn với ngân hàng trong tương lai.

3. Tận dụng thời gian miễn lãi của thẻ

Thời gian miễn lãi là khoảng thời gian mà chủ thẻ tín dụng có thể cân đối tài chính và thực hiện nghĩa vụ chi trả mà không phải trả lãi. Thông thường, thời gian miễn lãi của các ngân hàng là khoảng 45 ngày đến 55 ngày tùy vào thời điểm chi tiêu của khách hàng.

Khi tận dụng thời gian này, bạn có thể “mượn tiền” để chi tiêu mà không phải chịu phí. Để tối ưu hóa thời gian miễn lãi, hãy lưu ý những kinh nghiệm sau:

  • Giao dịch vào đầu chu kỳ thanh toán: Thực hiện giao dịch ngay đầu chu kỳ giúp bạn có tối đa thời gian miễn lãi để thu xếp tài chính và thanh toán đúng hạn. Đặc biệt, với các khoản chi lớn, nên giao dịch ngay sau khi nhận sao kê từ kỳ trước.
  • Hạn chế mua sắm khi gần đến ngày sao kê: Khi cận kề ngày sao kê, thời gian miễn lãi sắp hết. Bạn nên hạn chế chi tiêu cho những khoản lớn hoặc không cần thiết.
  • Kiểm tra thường xuyên lịch sử giao dịch và khả năng chi trả: Việc này giúp bạn đảm bảo khả năng thanh toán và tránh việc tiêu quá tay. Nếu cần chi tiêu, hãy chờ đến kỳ miễn lãi tiếp theo.
  •  Cài đặt thanh toán thẻ tín dụng tự động: Thiết lập thanh toán tự động sẽ giúp bạn tránh quên thanh toán đúng hạn, từ đó không phải chịu lãi và phí nộp chậm không cần thiết.
  • Thanh toán hết dư nợ để được miễn lãi cho các kỳ tiếp theo: Ngân hàng quy định rằng nếu bạn chưa thanh toán hết dư nợ cũ, bạn sẽ không được miễn lãi trong các kỳ sau. Do đó, việc thanh toán hết dư nợ sẽ giúp bạn tiếp tục hưởng thời gian miễn lãi trong các giao dịch tiếp theo.

4. Giữ bảo mật thẻ tín dụng

Giữ an toàn và bảo mật cho thẻ tín dụng là rất quan trọng để tránh bị kẻ gian lợi dụng và “mất tiền oan”. Dưới đây là một số lưu ý giúp bạn bảo vệ thẻ ngân hàng:

– Ký vào mặt sau của thẻ: Hãy ký vào mặt sau thẻ để khi thực hiện giao dịch, nhân viên thu ngân có thể đối chiếu chữ ký với chữ ký trên hóa đơn. Giao dịch chỉ được thực hiện khi hai chữ ký khớp nhau.

– Luôn giữ hóa đơn và kiểm tra sao kê hàng tháng: Việc này giúp bạn bảo vệ quyền lợi của mình. Nếu có thắc mắc về các giao dịch, bạn có thể liên hệ ngay với ngân hàng để được giải quyết kịp thời.

– Khóa thẻ ngay khi làm mất: Nếu bạn bị mất hoặc thất lạc thẻ, hãy thông báo ngay với ngân hàng về thời điểm mất và giao dịch cuối cùng, sau đó khóa thẻ càng sớm càng tốt. Điều này sẽ giúp bảo vệ tài khoản của bạn và tránh mất tiền.

– Không tiết lộ số thẻ tín dụng cho người khác: Việc chia sẻ số thẻ tín dụng có thể tạo cơ hội cho kẻ gian đánh cắp thông tin và thực hiện giao dịch trái phép. Vì vậy, hãy bảo mật số thẻ một cách cẩn thận.

Ngoài ra, bạn cần đảm bảo an toàn cho thẻ trong các trường hợp sau:

– Khi mua sắm trực tiếp: Hãy chú ý khi nhân viên quẹt thẻ tín dụng, luôn giữ thẻ trong tầm quan sát của mình. Nếu bạn cảm thấy nghi ngờ hoặc không chắc chắn, đừng ngần ngại yêu cầu hủy giao dịch.

– Khi thanh toán qua Internet: Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân hay thông tin thẻ cho các website hoặc email lạ, không đáng tin cậy. Ngoài ra, bạn nên tắt chức năng thanh toán trực tuyến khi không còn nhu cầu sử dụng.

5. Một số thông tin của thẻ bạn cần lưu ý

– Giấy tờ chứa thông tin thẻ: Ngoài việc ghi nhớ các thông tin trên thẻ tín dụng, bạn cũng nên lưu giữ các giấy tờ liên quan. Trong trường hợp thẻ gặp vấn đề, việc cung cấp những giấy tờ này sẽ giúp ngân hàng đối chiếu và xử lý nhanh chóng hơn.

– Giấy tờ và hóa đơn thanh toán chi tiêu: Đây là công cụ hữu ích để bạn kiểm tra và rà soát các khoản bạn đã chi tiêu bằng thẻ tín dụng. Khi nhận sao kê từ ngân hàng, bạn có thể sử dụng những giấy tờ này để đối chiếu.

Hy vọng những lưu ý về việc sử dụng thẻ tín dụng trên đây sẽ giúp bạn bảo đảm an toàn và hiệu quả khi sử dụng thẻ. Hãy là người tiêu dùng thông minh, chi tiêu hợp lý, thanh toán dư nợ đúng hạn và đừng quên cập nhật để tận dụng những ưu đãi hấp dẫn từ ngân hàng nhé!

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *